Loading Loading

3 BÍ KÍP GIÚP BÉ CHUẨN BỊ TÂM LÝ KHI CÓ EM

3 BÍ KÍP GIÚP BÉ CHUẨN BỊ TÂM LÝ KHI CÓ EM

Mầm Nhỏ đã gặp rất nhiều bố mẹ vô cùng bất ngờ và lo lắng khi thấy em bé lớn có dấu hiệu bắt nạt em bé nhỏ, hoặc các mẹ bầu lần 2 cực kỳ băn khoăn không rõ làm thế nào để khiến bạn lớn hiểu, yêu thương và chia sẻ với người em của mình. Bố mẹ biết không, việc giúp các bạn nhỏ dành tình yêu thương cho các em của mình thực ra không thể chỉ nói ngày một ngày hai là xong, mà cần cả quá trình dài.

Bố mẹ đã bao giờ nói chuyện hay giải thích để con chuẩn bị tâm lý khi nhà chuẩn bị có thêm em bé? Đứng trước những thắc mắc to đùng như “Sao tự nhiên em bé lại xuất hiện? Em bé đến từ đâu thế ạ?...” chúng ta sẽ trả lời con như thế nào? Làm thế nào khi con trở nên lầm lì, ít nói hoặc nghịch ngợm, cáu kỉnh, không nghe lời… khi em bé xuất hiện

Mời bố mẹ cùng theo dõi những bí kíp mà Mầm Nhỏ gợi ý dưới đây để giúp con có tâm lý tốt khi có em nhé!

1. CHUẨN BỊ TÂM LÝ CHO TRẺ NGAY KHI MẸ MANG BẦU
Khi bé nhận thấy sự thay đổi ở mẹ, hãy giải thích cho con hiểu mẹ đang có em bé, con sắp được làm anh/ chị. Bố mẹ cũng có thể tập cho trẻ có thói quen, hành động quan tâm, yêu thương em bé hàng ngày như: thơm bụng bầu của mẹ, nói lời yêu thương với em bé, chúc em bé trong bụng mẹ ngủ ngon, cho bé đặt tên cho em... Thậm chí mẹ còn có thể đóng vai em bé để trò chuyện với trẻ. Điều này sẽ giúp cho trẻ thấy gần gũi và yêu thương em bé ngay khi em chưa sinh ra và cảm thấy mình có vị trí quan trọng với em.

Bố mẹ cũng có thể cho trẻ đi thăm gia đình bạn bè có em bé mới ra đời, chỉ cho trẻ thấy là nhà bạn nọ, bạn kia có em, bạn đó được làm anh, chị thú vị ra sao. Kể cho con biết ngày xưa con ở trong bụng mẹ như thế nào, khi ra đời thì yếu ớt và cần được bảo vệ như thế nào.
Để trẻ hiểu hơn về sự hiện diện của em bé, bố mẹ cũng có thể cho con cùng đi khám thai để xem hình ảnh em bé trong bụng mẹ nhé, việc làm này sẽ giúp trẻ hiểu và thêm yêu thương em bé nhiều hơn đấy ^^

Tuyệt đối bố mẹ đừng bao giờ dọa nạt trẻ bằng những câu nói như: “Con hư mẹ sẽ không yêu con, chỉ yêu em bé thôi ”... Những câu nói ấy chỉ làm tổn thương trẻ, gây trong lòng con sự hiềm khích, ganh ghét em ngay cả khi em chưa xuất hiện.
Nếu trẻ vô tình nghe những câu nói này từ người ngoài, chúng ta hãy nhẹ nhàng giải thích với con đó chỉ là lời nói đùa vui. Bố mẹ và em lúc nào cũng yêu con. Hãy cho trẻ thấy em bé yêu anh, chị như thế nào. Ví dụ như nói với trẻ: “Em bé cười với con này, em nắm ngón tay con này, em bé rất yêu con…”

Mầm Nhỏ đã có 1 bài viết về chủ đề “Những điều xấu xí người lớn tuyệt đối đừng nói khi trẻ có em”, các bạn có thể đọc thêm thông tin tại link này nhé: https://goo.gl/wFZiGv

2. CHO TRẺ THAM GIA VÀO NHỮNG HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN EM BÉ
Để trẻ hiểu hơn về sự hiện diện của em bé, bố mẹ có thể cho trẻ cùng đi khám thai, xem hình ảnh siêu âm em bé trong bụng mẹ, cùng đi chọn và mua quần áo cho em, đi tập thể dục cùng mẹ và cùng nói chuyện về em bé, đặt tên gọi cho em bé…

Bạn có thể cùng con kiểm tra lại một số các đồ dùng, quần áo trước đây của con mà em bé có thể sử dụng được chứ không nên mua mới hoàn toàn. Việc này vừa tiết kiệm lại vừa giúp trẻ cảm thấy “người lớn”, tự tin, tự lập hơn khi biết giúp em bé tương lai chuẩn bị đồ đạc.

Bố mẹ cũng đừng quên “nhờ” trẻ giúp trang trí, làm mới lại nhà cửa chào đón em bé mới nhé. Đây là biện pháp siêu hữu ích giúp trẻ cảm thấy mình có vị trí “quan trọng” trong gia đình. Thông qua các công việc này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cảm nhận và cách thể hiện của trẻ khi đón thêm một thành viên mới đấy!

Khi em bé sinh ra rồi, bố mẹ hãy cho các bạn ấy cùng tham gia chơi đùa, tiếp xúc với em bé như cùng nằm nghe mẹ đọc truyện hoặc trò chuyện cùng em, phụ giúp mẹ lấy khăn tắm cho em, đi tắm nắng cùng em, hát cho em bé nghe, trông em bé ngủ, đẩy xe/ nôi cho em…
Khi trẻ làm tốt, bố mẹ hãy khen ngợi con kịp thời và khuyến khích những hành động tốt đẹp ấy. Ví dụ như: “Con ơi, em bé đang khóc, con giúp mẹ vỗ về em được không nhỉ?” hay “Ôi em bé tè ướt hết bỉm rồi. Con lấy giúp mẹ cái bỉm để thay cho em nhé?” Bố mẹ đừng quên nói cảm ơn và khích lệ trẻ sau mỗi hành động giúp đỡ của trẻ nhé!

Bên cạnh đó, mẹ hãy cho trẻ biết em bé rất yêu anh/ chị bằng những lời nói như:
“Em bé đang rất vui!”, “Em bé bảo cảm ơn anh vì đã chơi với em đấy!”, “Em bé bảo rất yêu anh đấy!”, “Em bé bảo được anh vuốt má thật thích, được chơi cùng với anh thật thích!”… Đảm bảo những lời nói ngọt ngào và đầy yêu thương này sẽ khiến con trở nên thích thú và thấy yêu em hơn ^^

Cùng con đọc những cuốn sách về em bé, tình cảm anh em. Cùng bé đọc những quyển sách viết về tình cảm giữa anh chị và em nhỏ sẽ là bước khởi đầu để mẹ quan sát những cảm xúc của bé. Ngoài việc cung cấp cho con vốn từ để thể hiện cảm xúc của mình, mẹ nên khuyến khích sự gắn kết đồng thời cũng giúp bé chia sẻ về những cảm xúc tiêu cực.

Mầm Nhỏ đã chọn ra list sách cho anh chị sắp có em bé, các bạn có thể tham khảo tại link này nhé: https://goo.gl/TFwLrN

Bố mẹ cũng có thể thường xuyên chơi trò đố vui “Khi có em con sẽ làm gì cho em?”: Trẻ rất thích bắt chước người lớn, rất muốn được chăm sóc em giống như mẹ đã chăm mình, nên bố mẹ có thể gợi ý để con nghĩ về cách chăm em, hoặc cùng con chơi búp bê để trẻ tập làm quen nhé.

Để giúp con bạn có những mối liên hệ với em bé, bố mẹ có thể cho bé xem lại những bức ảnh hồi bé của chính mình, kể lại những câu chuyện khi bé vẫn còn là một em bé bé xíu để bé có những hồi tưởng rằng “Con cũng đã từng là một em bé"

3. CÂN BẰNG THỜI GIAN CHO CẢ ANH CHỊ VÀ EM BÉ
Một nguyên nhân khiến anh/chị không yêu thương em (thậm chí ghét em) chính là việc trẻ cảm thấy mình bị bố mẹ bỏ rơi và tình yêu thương bị san sẻ cho em bé. Nhiều anh/chị tủi thân vì em bé mới ra đời nên cả nhà, từ ông bà bố mẹ chỉ chăm chăm vào em bé mà bỏ quên mình, hoặc một số người lớn thường vô tình nói đùa: “Mẹ đẻ em rồi thì cháu ra rìa nhé!”… nên trẻ dễ rơi vào khủng hoảng tâm lí muốn được quay lại thời kì em bé, mè nheo, khóc lóc đòi mẹ ôm, mẹ bế, vòi vĩnh nhiều hơn. Tất cả là vì trẻ rất cần được cha mẹ quan tâm, chú ý hơn thôi. Vì thế trong tình huống này bố mẹ cần có cách ứng xử tinh tế hơn nhé.

Khi con lớn có nhu cầu gì hay mong muốn được mẹ bế, ôm, chơi cùng, cha mẹ hãy đặt em nhỏ xuống hoặc nhờ ai đó hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu tình cảm của trẻ. Đôi khi chỉ cần 10 phút dành cho bé lớn cũng giải quyết được rất nhiều vấn đề về cảm xúc của trẻ.

Bố mẹ hãy nhớ:
- Tạo ra khoảng thời gian riêng tư chỉ có cha mẹ và con lớn: Cha mẹ có thể chia ca hoặc nhờ ông bà hay họ hàng trông giúp em nhỏ và dành một khoảng thời gian chất lượng “hẹn hò” riêng với con lớn - đi ăn kem, đi siêu thị, đi công viên…
- Thường xuyên ôm/bế con thật chặt: Đừng nghĩ rằng trẻ đã lớn rồi thì không cần ôm/bế nữa nhé. Càng những trẻ lớn (4 đến 5 tuổi), nhu cầu được cha mẹ ôm chặt hay bế trong lòng càng cao. Trẻ thấy em bé được cha mẹ ôm/bế nên cũng muốn có cảm giác được ôm ấp, nâng niu như em.

Theo chúng mình, quan trọng nhất để con sẻ chia sẻ niềm vui với gia đình khi em bé ra đời đó chính là việc bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện cùng con. Hãy lắng nghe và giải tỏa tâm lý cho con, để bé hiểu rằng chúng ta là một gia đình, và một gia đình thì bao giờ cũng nên yêu thương, đoàn kết, che chở, bảo vệ cho nhau

Bài viết liên quan

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình
Xem chi tiết
BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

Mẹ và bé

Thường thì các bố mẹ hay lo lắng về sức khỏe cho bé vào mùa đông hơn là mùa hè. Tuy nhiên, tr
Xem chi tiết
CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Hầu hết các cơn sốt ở trẻ sẽ hết sau khoảng 48-72h, không cần dùng kháng sinh và có thể chăm
Xem chi tiết
0946 626 646