Loading Loading

7 KỸ NĂNG XÃ HỘI QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT CHO MỌI TRẺ EM

7 KỸ NĂNG XÃ HỘI QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT CHO MỌI TRẺ EM

Phẩm chất của một người trưởng thành phụ thuộc rất nhiều vào nền móng giáo dục khi còn nhỏ. Bên cạnh kỹ năng an toàn, kỹ năng sống thì kỹ năng xã hội cũng cần thiết với một đứa trẻ. Kỹ năng xã hội giúp đứa trẻ có được những mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè và có nhiều cơ hội tốt hơn trong tương lai. 

CÁC KỸ NĂNG XÃ HỘI QUAN TRỌNG NHƯ THẾ NÀO VỚI TRẺ? 

Kỹ năng xã hội là một tập hợp các kỹ năng cần được sàng lọc liên tục khi con bạn ngày một lớn lên. Một đứa trẻ có kỹ năng xã hội tốt sẽ có thể hoà đồng với bạn bè và khả năng kết bạn dễ dàng hơn. Trên thực tế, một nghiên cứu được công bố trên Từ điển bách khoa quốc tế về Khoa học xã hội và hành vi, chỉ ra rằng tình bạn thời thơ ấu rất tốt cho trẻ em. 

Quan hệ bạn bè cũng cho trẻ cơ hội thực hành các kỹ năng xã hội tiên tiến hơn, như giải quyết vấn đề và giải quyết xung đột.

Kỹ năng xã hội tốt cũng có thể giúp trẻ em có một tương lai tươi sáng hơn. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Hoa Kỳ, một đứa trẻ ở giai đoạn mẫu giáo có kỹ năng xã hội và cảm xúc tốt sẽ là tiền đề cho sự thành công ở tuổi trưởng thành. 

Các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Pennsylvania và Đại học Duke phát hiện ra rằng những đứa trẻ biết cách chia sẻ, lắng nghe, hợp tác và tuân theo các quy tắc lúc 5 tuổi có nhiều khả năng vào đại học hơn và có công việc tốt hơn.

Trẻ em thiếu các kỹ năng xã hội và cảm xúc có nhiều khả năng gặp vấn đề lạm dụng chất gây nghiện, các vấn đề về mối quan hệ và rắc rối pháp lý. Họ cũng có nhiều khả năng phụ thuộc và cần sự hỗ trợ từ những người xung quanh. 

Một đứa trẻ không ngẫu nhiên biết cách ứng xử và có kỹ năng xã hội tốt. Điều quan trọng là chúng ta cần hướng dẫn cho trẻ. Không bao giờ là quá sớm để dạy cho trẻ cách hoà hợp với người khác. Và cũng không bao giờ là quá muộn để mài giũa các kỹ năng cho chúng. 
Trước tiên, hãy bắt đầu với các kỹ năng xã hội cơ bản nhất và tiếp tục rèn luyện các kỹ năng khó hơn khi trẻ lớn dần. Dưới đây là những kỹ năng xã hội quan trọng nhất mà mọi trẻ em cần được hướng dẫn. 

1. Chia sẻ

Đó là khi con bạn sẵn sàng chia sẻ một món ăn, một món đồ chơi với người khác mà không có chút phàn nàn, khó chịu nào. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học Tâm lý, trẻ em từ hai tuổi có thể thể hiện mong muốn chia sẻ với người khác nhưng thường chỉ khi con có thật nhiều đồ chơi mà thôi. 

Tuy nhiên, trẻ em trong độ tuổi từ 3 - 6 thường chỉ chia sẻ đồ của mình kèm với điều kiện nào đó. Ví dụ, khi trẻ chỉ có một chiếc bánh duy nhất, con sẽ không muốn chia sẻ với ai vì như vậy con sẽ chỉ còn lại 1 phần ít để ăn, nhưng con có thể sẵn sàng chia sẻ đồ chơi nếu như món đồ đó con không thích chơi nữa. 

Khoảng 7 - 8 tuổi, trẻ sẽ quan tâm hơn đến sự công bằng và sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn. Hơn nữa, nghiên cứu chỉ ra rằng chia sẻ và hạnh phúc có mối liên hệ mật thiết với nhau. 

Cách luyện tập

Mặc dù có thể bạn không muốn ép con phải chia sẻ một món đồ con rất thích, nhưng bạn có thể khuyến khích con chia sẻ bằng cách thường xuyên nhắc về điều đó. Khen ngợi con mỗi lúc con biết chia sẻ thứ gì đó, cũng như chỉ cho con biết khi chia sẻ sẽ mang lại những điều tích cực như thế nào. 

2. Hợp tác

Hợp tác có nghĩa là làm việc cùng nhau để cùng đạt được mục đích chung. Những đứa trẻ biết hợp tác sẽ biết cách tôn trọng người khác, và biết cách đóng góp, tham gia, giúp đỡ những người xung quanh. 

Kỹ năng hợp tác là quan trọng vì sẽ giúp trẻ hòa nhập được với cộng đồng. Trẻ cần có sự hợp tác với bạn bè trong quá trình học tập, vui chơi, và là nền móng cho sự phát triển của con sau này. 

Đến khoảng hơn 3 tuổi, trẻ có thể sẽ bắt đầu thực hiện hợp tác với bạn bè để cùng đạt được mục đích chung. Đối với trẻ, sự hợp tác ở đây có thể là cùng nhau xây dựng ngôi nhà bằng đồ chơi, cùng làm đường ray cho tàu hỏa. Một số trẻ sẽ thích thú khi được chỉ đạo, có trẻ lại cảm thấy thoải mái khi làm theo hướng dẫn. Dù bằng cách nào, hợp tác cũng là một cơ hội tuyệt vời để trẻ được hiểu hơn về bản thân. 

Cách luyện tập

Bạn hãy nói với con về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội và kết quả tốt hơn như thế nào khi có sự kết hợp của nhiều người. Bố mẹ cũng có thể tạo ra các hoạt động chung trong gia đình. Ví dụ như, cả nhà cùng tham gia vào chuẩn bị bữa tối, mỗi người sẽ làm một việc cụ thể và hãy nhấn mạnh sức mạnh của việc hợp tác ở đây là gì. 

3. Lắng nghe


Lắng nghe ở đây không phải chỉ là giữ im lặng, mà là sự thấu hiểu, đồng cảm với người nói. Lắng nghe cũng là một kỹ năng quan trọng trong việc thiết lập một mối quan hệ lành mạnh. 

Kỹ năng lắng nghe cũng cho con kết quả tốt hơn khi tập trung vào các bài giảng của thầy cô ở trường. 
Xa hơn, khi con trưởng thành, con sẽ biết lắng nghe đồng nghiệp, lắng nghe sếp mình nói, và thấu hiểu hơn người bạn đời của mình, thay vì nhìn chằm chằm vào điện thoại di động. 

Cách luyện tập

Khi đọc một cuốn sách cho con, bạn hãy dừng lại một chút và yêu cầu con kể lại những gì con được nghe. Điều này vừa giúp con nắm bắt được nhiều điều bạn nói và còn khuyến khích con tiếp tục lắng nghe. Ngoài ra, bạn cũng nhắc nhở con về việc không được phép ngắt lời người khác khi họ đang nói chuyện. 

4. Nghe lời

Với những đứa trẻ không vâng lời và từ chối mọi yêu cầu của bạn chắc hẳn sẽ khiến bạn khó khăn và mất kiên nhẫn hơn rất nhiều. 
Tuy nhiên, trước khi trách trẻ bạn cần nhìn nhận lại việc mình đã hướng dẫn con đúng chưa. Thay vì ra lệnh, bắt ép, bạn có thể khiến con nghe lời bằng cách khuyến khích, đưa ra lựa chọn để con thực hiện. 

Cách luyện tập

Với những đứa trẻ không nghe lời, bạn cần khuyến khích và khen ngợi nhiều hơn khi con chịu hợp tác với bạn. Điều này giúp trẻ hiểu đâu là hành động nên làm và đâu là điều không được phép. 

5. Tôn trọng sự riêng tư

Trẻ nhỏ sẽ ít ý thức được việc cần tôn trọng không gian riêng tư của người khác. Vì vậy, việc tôn trọng sự riêng tư của những người xung quanh cũng là điều quan trọng. 

Bạn có thể tạo ra các quy tắc gia đình để trẻ biết rõ hơn về điều này. Ví dụ như, gõ cửa phòng khi bước vào phòng của người khác, sử dụng đồ của người khác có sự xin phép…

Cách luyện tập

Dạy con biết đứng đứng xa một khoảng cách phù hợp, như chiều dài một cánh tay khi người khác đang nói chuyện, hoặc khi xếp hàng, không đứng quá gần để tránh làm phiền người khác. Bố mẹ cũng nên đưa ra các tình huống giả tưởng để con hiểu thế nào là tôn trọng không gian riêng tư của người khác. 

6. Giao tiếp bằng mắt

Giao tiếp bằng mắt là một phần quan trọng của giao tiếp. Một số đứa trẻ không dám nhìn vào mắt của người khác khi giao tiếp mà thích nhìn chằm chằm xuống sàn nhà. Cho dù con bạn có nhút nhát hay đó chỉ là một thói quen, thì cũng hãy chỉ cho con thấy tầm quan trọng của giao tiếp bằng mắt.

Cách luyện tập

Bạn có thể chỉ ra cho con cảm giác của người đối diện khó chịu như thế nào khi con giao tiếp mà không nhìn vào họ, và để cho con trải nghiệm cảm giác đó khi con nói chuyện với bạn. Đồng thời, bạn có thể hướng dẫn cho con biết khi giao tiếp cần nhìn vào đâu và điều gì nên tránh để con có thể hiểu hơn nhé. 

7. Cách ứng xử

“Xin lỗi” và “Cảm ơn” là hai câu nói cần thiết mà mọi đứa trẻ đều cần được học. Tất nhiên, dạy con phép lịch sự, tôn trọng người khác không phải là điều dễ dàng, nhưng ở giai đoạn đầu đời chính là thời điểm quan trọng để xây dựng thói quen này cho trẻ. Trước tiên bố mẹ chính là những người làm gương cho con, từ cách ăn nói đến ứng xử hàng ngày với nhau. 

Cách luyện tập

Hãy là một hình mẫu tốt về cư xử. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi với trẻ bạn cũng nên có lời nói “Xin lỗi” và “Cảm ơn” rõ ràng. Thậm chí, với những người xung quanh bạn cũng cần có cách ứng xử phù hợp, đúng mực để con học hỏi theo. Bạn chẳng thể bắt con phải lịch sự khi chính bạn lại làm điều trái ngược cả.

Mỗi đứa trẻ không thể tự nhiên giỏi kỹ năng xã hội nếu không có sự hướng dẫn, giáo dục của bố mẹ. Vì vậy, ngay từ khi con chập chững biết đi, bập bẹ biết nói hãy dạy cho con những kỹ năng xã hội cần thiết. Mỗi việc làm của bạn đang góp thêm một viên gạch để xây một tòa tháp thành công cho tương lai của con. 

Bài viết của Mầm Nhỏ có tham khảo từ nguồn: 
https://www.verywellfamily.com/seven-social-skills-for-kids-4589865

Bài viết liên quan

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

Mẹ và bé

Tranh cãi, xích mích trong lúc chơi với nhau là điều rất phổ biến ở những đứa trẻ, điển hì
Xem chi tiết
NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

Mẹ và bé

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN? 😍😍 💁‍♀💁‍♂ Chắc hẳn nhiều bố mẹ cũn
Xem chi tiết
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

Mẹ và bé

Một trong những điều khiến bố mẹ vô cùng đau đầu là làm thế nào để con giữ cho phòng của
Xem chi tiết
0946 626 646