Loading Loading

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

CHĂM SÓC TRẺ KHI BỊ SỐT NHƯ THẾ NÀO?

Hầu hết các cơn sốt ở trẻ sẽ hết sau khoảng 48-72h, không cần dùng kháng sinh và có thể chăm sóc tại nhà nên nếu trẻ không nằm trong diện phải gọi bác sĩ, việc quan trọng nhất bố mẹ cần làm không phải là hạ sốt mà là quan sát, cố gắng giúp trẻ dễ chịu và thoải mái nhất.

CUNG CẤP NHIỀU CHẤT LỎNG

Chất lỏng bao gồm sữa, nước... Khi trẻ bị sốt trẻ có thể bị mất nước trong cơ thể do đổ mồ hôi. Vì vậy, nếu bé còn bú mẹ, mẹ nên tích cực cho bé bú mẹ về sữa mẹ có 88% là nước và còn có các kháng thể, dinh dưỡng để hỗ trợ bé trong giai đoạn sốt, chống chọi với bệnh.

Với những bé lớn trên 6 tháng, bên cạnh tích cực bú mẹ, bố mẹ khuyến khích con uống thêm nước lọc, nước mát, nước hoa quả, ăn kem, ăn sữa chua…. Cho bé uống nhiều lần, mỗi lần một ít nước. Nếu bé có dấu hiệu mất nước (môi khô, tè ít đi) thì nên cho bé uống oresol hoặc nước dừa (là chất điện giải tự nhiên dễ uống) để bù nước cho bé.

MẶC QUẦN ÁO THOÁNG MÁT và SỬ DỤNG ĐIỀU HÒA, QUẠT, GIÓ

Hầu hết nhiệt độ sẽ thoát qua da nên bố mẹ không nên mặc quần áo dày, trùm chăn, ủ ấm cho trẻ vì có thể là nguyên nhân khiến sốt cao hơn. Vào mùa hè, bé chỉ cần 1 bộ quần áo mỏng và để nhiệt độ phòng ở mức mát (20-25 độ). Nếu vào mùa đông, bố mẹ cũng nên điều chỉnh điều hòa để trong phòng không lạnh quá, mặc cho bé 1 lớp quần áo dài tay là đủ vì bé đang sốt sẽ cần thoát nhiệt ra ngoài. Nếu bé bị lạnh hoặc run rẩy, hãy đắp cho bé một chiếc khăn mỏng, không nên dùng chăn dày hoặc mặc thêm quần áo. Việc dùng điều hòa không hề làm cho trẻ ốm thêm mà chỉ làm cho trẻ dễ chịu hơn nên hãy dùng điều hòa cho bé khi bị ốm, chỉ cần để nhiệt độ phù hợp và gió thoảng, không thổi thẳng vào người bé là được.

Bố mẹ cũng nên dùng quạt cho bé nếu phòng ấm nhưng không để quạt mạnh, thổi thẳng vào bé mà chỉ ở mức thấp, thoang thoảng quanh bé. Nếu trời mát thì bố mẹ cũng có thể mở cửa để cho thông thoáng.

LAU MÌNH, TẮM BÉ ĐÚNG CÁCH

Lau mình thường là không cần thiết trong việc hạ sốt bởi vì chỉ làm hạ nhiệt ở bề mặt da trong khi nhiệt độ trong cơ thể vẫn giữ nguyên. Việc lau mát còn khiến bề mặt cơ thể mất cân bằng nhiệt độ so với nhiệt độ bên trong khiến bé run rẩy, cơ thể phải tích cực hoạt động hơn để cân bằng nhiệt độ giữa hai bên.

Thay vì lau mình, bố mẹ có thể tắm, ngâm mình cho bé. Tắm được khuyến khích hơn là cho bé uống thuốc hạ sốt nếu bé bị dị ứng, không dung nạp thuốc hạ sốt. Còn nếu bé quá khó chịu, nôn sau khi uống thuốc thì nên kết hợp uống thuốc hạ sốt và lau mình. Bạn nên áp dụng ngâm, tắm khi trẻ sốt cao hơn 40oC và độ sốt kiểm tra sau 30 phút - sau khi uống acetaminophen hay ibuprofen vẫn không hạ để giúp hạ sốt tốt hơn.

Để ngâm mình, bố mẹ cho bé ngồi trong chậu nước, để NƯỚC ẤM (29-32oC, có thể kiểm tra bằng cổ tay thấy nước ấm là được) cao khoảng 2.5-5cm. Sau đó, hãy để bé ngồi trong chậu, dùng một miếng bọt biển hoặc khăn để thấm nước ấm trong chậu và vắt lên người, tay và chân bé. Sự bốc hơi nước sẽ khiến bé dễ chịu hơn. Việc ngâm nước sẽ giúp cơ thể giảm 1-2 độ sau khoảng 30 đến 40 phút.

Khi tắm, ngâm mình cho bé, bố mẹ tuyệt đối không sử dụng nước lạnh vì sẽ làm tăng nhiệt cơ thể bé. Nếu bé không muốn tắm ngâm mình, hãy đưa bé ra ngoài, không cần ép bé. Nếu trẻ run rẩy thì do nước quá lạnh, có thể làm sốt tệ hơn nên hãy đưa bé ra khỏi bồn tắm. Bố mẹ tuyệt đối không nên thêm rượu vào nước, trẻ có thể hít phải hơi rượu và dẫn đến hôn mê. Việc lau mình bằng nước chanh hay các loại khác dù bằng nước ấm cũng không được khuyến cáo.

KHÔNG ÉP BÉ ĂN

Khi bị sốt, ốm thường cơ thể sẽ mệt mỏi khó chịu hơn. Bố mẹ có thể khuyến khích bé ăn uống, nấu những món nhẹ dễ ăn như cháo, mì, nui, soup… cho bé, ưu tiên những món mát lạnh như hoa quả dầm, kem… để giúp bé dễ chịu hơn. Tuy nhiên, không nên ép bé ăn nếu bé tỏ ra không thích mà nên khuyến khích bé uống, khi khỏi ốm bé sẽ ăn bù. Nếu bé mệt mỏi, bỏ ăn, lừ đừ thì hãy đưa bé đi khám.

HẠN CHẾ RA NGOÀI và TĂNG CƯỜNG NGHỈ NGƠI

Trong thời gian bị sốt thì ở trong nhà và có nhiều thời gian nghỉ ngơi sẽ tốt hơn cho bé. Bố mẹ nên để bé ở nhà, cho bé di chuyển trong nhà, không cần phải ở nguyên trong một phòng. Nếu bắt buộc ra ngoài bố mẹ nên đội mũ, cho bé chơi ở dưới bóng râm nếu thời tiết mát mẻ.

Trong thời kì ốm sốt, việc bé cần nhất là thoải mái và nghỉ ngơi chứ không phải là hạ sốt. Vì thế, bố mẹ hãy cố gắng để con được thoải mái và nghỉ ngơi nhiều nhất có thể, không nên một chốc lại bắt bé ăn, uống rồi lau mình rồi dựng bé dậy uống thuốc, kiểm tra nhiệt độ… Nếu bé nghỉ ngơi được thì tốt nhất là không làm phiền, để bé được nghỉ.

DÙNG THUỐC HẠ SỐT

Sốt giúp bé không nhiễm bệnh nên bố mẹ chỉ thực sự cần dùng đến thuốc nếu chúng gây ra sự khó chịu, thường là vào khoảng trên 39 độ thì cơ thể sẽ khó chịu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng bé, nếu bé sốt từ 38.3 – 38.5 mà có triệu chứng đau, khó chịu thì bố mẹ cũng nên cho bé uống hạ sốt.

Các loại thuốc bắt đầu có tác dụng sau 30 phút, và kéo dài 2 giờ sau khi uống. Thuốc sẽ giúp giảm sốt xuống 1 đến 1.5oC. Thuốc hạ sốt không hạ nhiệt độ xuống thành nhiệt độ cơ thể bình thường trừ khi nhiệt độ sốt không cao trước khi uống thuốc. Bạn có thể sẽ cần cho bé uống nhiều liều thuốc hạ sốt bởi vì cơn sốt vẫn còn lên hoặc xuống cho đến khi hết bệnh nhưng nên đọc kĩ hướng dẫn về SỐ GIỜ GIỮA NHỮNG LẦN UỐNG THUỐC, không cho bé tiếp tục uống thuốc hạ sốt nếu chưa đủ thời gian giữa hai lần uống thuốc dù bé VẪN SỐT sau lần uống thuốc vừa rồi. Nếu con bạn sốt cao và không có dấu hiệu đáp ứng hạ sốt, hãy đưa bé đi khám thay vì uống nhiều lần thuốc hạ sốt vì bé có thể bị QUÁ LIỀU rất nguy hiểm.

Nếu con bạn đang ngủ, thì không nên đánh thức trẻ dậy để cho uống thuốc, hãy để bé ngủ để nghỉ ngơi sẽ tốt hơn là uống hạ sốt. Khi bé ngủ tức là bé không khó chịu, đang lấy sức. Nếu con đang sốt và có dấu hiệu li bì – không phải là ngủ, hãy đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức.

Ngoài ra, nếu bé có bệnh lí về tim, phổi, não hay thần kinh mà có thể bị ảnh hưởng do sốt thì nên cho uống hạ sốt từ sớm.

Acetaminophen (hay paracetamol): có rất nhiều loại thuốc chứa acetaminophen mà có tên thương mại khác nhau như Efferalgan, Hapacol, Panadol, Tylenol…: Trẻ dưới 3 tháng tuổi có thể được cho uống acetaminophen. Cho uống đúng liều lượng thuốc với cân nặng của trẻ mỗi 4 đến 6 giờ nhưng không quá 5 lần trong vòng 24 giờ. Liều lượng acetaminophen được tính dược trên cân nặng, ví dụ: từ 15 – 20 mg cho mỗi kg cân nặng của trẻ.

Ibuprofen: có rất loại thuốc chứa ibuprofen có tên thương mại khác nhau như Advil, Motrin, Nurofen… được cho phép sử dụng với trẻ trên 6 tháng tuổi. Một lợi thế của ibuprofen là tác dụng (6–8h) kéo dài hơn acetaminophen (4-6h). Khoảng cách giữa hai lần uống thuốc theo đúng liều lượng 5-10mg cho mỗi kg cân nặng của trẻ là mỗi 6-8 tiếng.

LƯU Ý: Dụng cụ định lượng của sản phẩm này không được dùng cho sản phẩm khác.

Tránh dùng aspirin: Các bác sĩ khuyến cáo rằng trẻ em (dưới 21 tuổi) không được dùng aspirin điều trị sốt. Aspirin được dùng trong các bệnh nhiễm virus, như là bệnh thủy đậu hay cảm cúm, được cho là có liên quan đến một bệnh nặng hơn được gọi là Hội chứng Reye (phù não và suy gan).

Thuốc hạ sốt cũng giống như các loại thuốc khác đều có tác dụng phụ nên bố mẹ không nên lạm dụng. Thuốc hạ sốt là loại ko bán theo đơn, bố mẹ có thể tự mua về và sử dụng cho bé nhưng tuyệt đối nên SỬ DỤNG ĐÚNG LIỀU LƯỢNG VÀ KHOẢNG CÁCH GIỮA NHỮNG LẦN UỐNG. Rất nhiều trường hợp uống thuốc hạ sốt quá nhiều lần gần nhau, không đúng liều lượng khiến trẻ gặp với những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên cự tuyệt thuốc hạ sốt, sốt là phản ứng có lợi cho cơ thể và thuốc hạ sốt có những tác dụng phụ nhưng không nên để bé sốt quá cao, quá mệt mỏi.

XỬ TRÍ KHI BÉ BỊ SỐT CO GIẬT

Bố mẹ nên bình tĩnh, không được la hét. BÌNH TĨNH. KHÔNG ĐƯỢC LA HÉT. Sốt co giật thường là lành tính và không làm tổn thương não bộ, không gây động kinh, không làm rối loạn hành vi, nhận thức của trẻ…. Vì thế, hãy bình tĩnh.

Bố mẹ nên để trẻ nằm nghiêng trên một mặt phẳng, không có vật cứng xung quanh, không sát tường, không ở trên giường vì trẻ có thể rơi xuống đất và đập đầu vào tường. Tốt nhất là nên cho trẻ nằm ở đệm ở dưới đất hoặc một mặt phẳng nào đó an toàn nhất trong nhà.

Sau đó, hãy để trẻ nằm nghiêng, không để bất kì vật gì vào miệng trẻ, không cố cạy miệng trẻ ra để vắt chanh, sả hay bất kì thứ gì. Hãy để đường thở của bé thông thoáng và không cố giữ trẻ khi trẻ co giật. Trẻ sẽ không bị cắn lưỡi trong lúc co giật. Việc duy nhất bố mẹ cần làm trong lúc đó là quan sát trẻ và đếm thời gian. Thường trẻ sẽ co giật trong khoảng 1-2 phút, nếu trẻ co giật trên 5 phút, hãy đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức, có thể trẻ phải uống thuốc chống co giật. Việc quan sát sẽ giúp bạn thấy rõ cơn co giật như thế nào để miêu tả lại cho bác sĩ, giúp chẩn đoán và điều trị dễ dàng hơn. Rất nhiều trường hợp bố mẹ cuống quýt trong lúc con co giật, đến lúc bác sĩ hỏi triệu chứng và cơn co giật như thế nào thì không miêu tả được, gây khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị.

MỘT SỐ CÁCH HẠ SỐT KHÔNG DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG

Hiện nay có một số cách hạ sốt được nhiều bố mẹ áp dụng như dán miếng dán hạ sốt, da tiếp da….nhưng chúng mình không tìm thấy thông tin khuyến cáo từ một tổ chức uy tín nào về việc nên dùng các cách này để hạ sốt, chăm sóc trẻ khi bị sốt

Về miếng dán hạ sốt dù được sử dụng khá rộng rãi và bán nhiều ở các hiệu thuốc nhưng chưa có công trình khoa học nào chứng minh miếng dán hạ sốt có thể thay thế được thuốc trong điều trị sốt ở cả trẻ em và người lớn và còn đi ngược với khuyến cáo của WHO là không nên chườm lạnh khi bé bị sốt, tiềm ẩn nguy cơ dị ứng, làm nặng thêm tình trạng viêm phổi nếu bé sốt do viêm phổi, khó hạ sốt…. Chi tiết bố mẹ có thể xem tại đây:

https://www.facebook.com/mamnho.vn/photos/a.550378718491390.1073741828.533438936852035/647518045444123/?type=3&theater

Về biện pháp da tiếp da được nhiều tổ chức uy tín khuyến cáo nên áp dụng lúc bé mới sinh để giúp bé thư giãn, giảm đau, bú mẹ tốt hơn….nhưng không có khuyến cáo nào về việc giúp hạ sốt ở trẻ.

Để hỗ trợ các bố mẹ chăm sóc bé đặc biệt là khi bị sốt, Naki Store dành tặng 10 khán giả của Mầm Nhỏ 10 combo, mỗi combo gồm 3 vỉ nhiệt kế dán trán rất tiện lợi để theo dõi nhiệt độ của bé liên tục trong vòng 48 giờ và 1 hộp khẩu trang Lily khi bố mẹ thực hiện các bước sau:

B1: Like và share post này về Facebook cá nhân ở chế độ công khai.

B2: Comment tại đây một kỉ niệm của bố mẹ khi chăm bé bị sốt nhé.

Hạn comment là 24h59’ ngày 20/08/2017. Chúng mình sẽ inbox tặng quà cho 10 bố mẹ ngẫu nhiên vào ngày 21/08/2017 nhé!

Để tìm hiểu thêm về cách sử dụng và hnh ảnh của nhiệt kế dán trán tiện lợi, bố mẹ có thể tham khảo tại: https://www.facebook.com/Inu37/posts/10212506282243731

Nguồn tham khảo:

Sách Để con được ốm, Uyên Bùi, Bác sĩ Trí Đoàn

 

https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/fever/Pages/Treating-a-Fever-Without-Medicine.aspx

 

Bài viết liên quan

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

KHI TRẺ ĐÁNH NGƯỜI KHÁC, CÓ HÀNH ĐỘNG BẠO LỰC, BỐ MẸ NÊN XỬ LÝ THẾ NÀO?

Mẹ và bé

Không gì khiến bố mẹ trở nên mất bình tĩnh và có hành động bạo lực là trông thấy con mình
Xem chi tiết
BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

BÍ KÍP GIỮ BÉ KHỎE MẠNH TRONG MÙA HÈ

Mẹ và bé

Thường thì các bố mẹ hay lo lắng về sức khỏe cho bé vào mùa đông hơn là mùa hè. Tuy nhiên, tr
Xem chi tiết
MÁCH BỐ MẸ 12 MẸO TUYỆT VỜI LÀM XAO NHÃNG CƠN ĂN VẠ CỦA TRẺ NHỎ

MÁCH BỐ MẸ 12 MẸO TUYỆT VỜI LÀM XAO NHÃNG CƠN ĂN VẠ CỦA TRẺ NHỎ

Mẹ và bé

Những cơn ăn vạ, mè nheo rất phổ biến ở trẻ 2 - 3 tuổi, đây là thời điểm trẻ bắt đầu h
Xem chi tiết
0946 626 646