Loading Loading

MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH PHẢI ĐƯỢC ƯU TIÊN TRÊN MỌI THỨ KHÁC

MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH PHẢI ĐƯỢC ƯU TIÊN TRÊN MỌI THỨ KHÁC
 
Những ngày Tết sum vầy bên gia đình đã trôi qua. Mọi người chắc cũng đã dành trọn vẹn thời gian cho gia đình nhỉ. Nhưng việc gắn kết gia đình đừng chỉ nên dừng lại ở mỗi dịp Tết, mà hãy cố gắng tạo dựng thói quen trong chính sinh hoạt thường ngày.
Có một thực tế không thể phủ nhận đó là trẻ con ngày nay bước vào tuổi teen sẽ không còn muốn đi chơi cùng bố mẹ, và ít gắn kết với gia đình hơn. Bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó một phần không nhỏ chính là vì trong cuộc sống thường ngày:
1- Chúng ta chấp nhận cho con đi chơi với bạn, cho con làm điều con muốn thay vì kiên quyết buộc con phải tham gia một hoạt động chung nào đó của gia đình (đi du lịch, về quê, ngày kỉ niệm gia đình…) dù đó là hoạt động đã được lên kế hoạch từ trước.
Chúng ta thoả hiệp với con vì sợ con sẽ ghét bố mẹ nếu chúng ta không đáp ứng những điều đó của con.
2. Những đứa trẻ lớn lên ở vị trí “ưu tiên” của mọi người, “việc học của cá nhân con là quan trọng nhất” sẽ khó có thể nuôi dưỡng năng lực biết quan tâm, chia sẻ và đồng cảm đến mọi người. Cha mẹ đã không nỗ lực để xây dựng văn hoá gia đình truyền tải cho trẻ hiểu những thông điệp đó một cách “kiên quyết” và “nhất quán”. Vì thế trẻ lớn lên mà thiếu những trải nghiệm để hiểu được rằng mối quan hệ gia đình phải được ưu tiên trên mọi thứ khác.
Trong những năm đầu đời 0-6 tuổi việc cha mẹ dành thời gian cho con chính là để xây dựng sự gắn kết và tin tưởng với con. Vì nếu không có quá trình gắn kết này đứa trẻ khi lớn lên giai đoạn tiểu học và cấp 2 sẽ không còn muốn gắn bó với cha mẹ.
Những kí ức vui vẻ và hạnh phúc về sự kết nối với gia đình thông qua những trải nghiệm chung với nhau sẽ giúp trẻ học được bài học về sự quan tâm, lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm.
Còn nếu trẻ không hiểu được vai trò quan trọng của gia đình, chắc chắn khi lập gia đình những đứa trẻ ấy sẽ lặp lại hệt như cha mẹ mình trong việc nuôi dạy con. Từ đó mọi mối quan hệ sẽ vỡ vụn qua nhiều thế hệ.
1. Trẻ cần tham gia vào những sự kiện chung của gia đình
Trong cuốn sách “Tự nảy mầm tự vươn lên” tác giả Ohmae Kenichi đã chia sẻ một câu chuyện rất hay đó là mỗi năm cả gia đình ông sẽ lên kế hoạch để đi du lịch cùng nhau, và đây là điều bắt buộc mọi thành viên trong gia đình đều phải tham gia.
Khi các con bước vào tuổi dậy thì chúng phản kháng không muốn đi cùng bố mẹ nhưng ông vẫn kiên quyết giữ vững lập trường để con phải tuân theo quy định của gia đình. Sau này khi đã trưởng thành những người con của ông hiểu rằng đó chính là giá trị văn hoá riêng của gia đình mà người cha của mình đã kiên định để xây dựng.
Mỗi gia đình hãy cố gắng để đưa ra những quy định riêng cho gia đình của mình và giúp trẻ hiểu rằng sự kiện này cần phải được ưu tiên trên mọi dự định cá nhân. Ví dụ như dịp lễ Tết đi thăm hỏi họ hàng, ngày giỗ của ông bà, dịp cả nhà cùng nhau đi ăn tối, mỗi năm cùng nhau đi du lịch là những dịp rất quan trọng cần được ưu tiên trên mọi hoạt động cá nhân như chuyện học thêm hay lịch hẹn riêng...
Khi trẻ bước vào tuổi dậy thì sẽ cần sự kiên định và lập trường vững chắc của cha mẹ để giúp trẻ hiểu được “giá trị văn hoá truyền thống” mà cha mẹ đang xây dựng trong ngôi nhà của mình.
2 Tham gia vào những sự kiện lớn của các thành viên trong gia đình
Từ trước khi kết hôn hai vợ chồng chúng tôi đã có những “thoả thuận ngầm” với nhau để thống nhất về giá trị quan trong việc xây dựng văn hoá gia đình khi kết hôn.
Một trong số đó là bố mẹ cần phải tham gia vào những sự kiện lớn của con ở trường, cũng như các thành viên trong gia đình đều phải tham gia vào những sự kiện lớn của thành viên còn lại.
Vào những dịp như lễ khai giảng, các sự kiện lớn ở trường con nhất định bố mẹ sẽ phải sắp xếp thời gian để tham gia. Trong sự kiện ra mắt sách của mẹ, cũng như bữa tiệc ở cơ quan mọi thành viên đều tham gia để vổ vũ.
3 Dành thời gian để chơi thể thao cùng nhau
Những hoạt động liên quan đến vận động và thể thao sẽ gia tăng tinh thần đoàn kết và chia sẻ với các thành viên trong gia đình.Vào những ngày cuối tuần có rất nhiều hoạt động có thể dễ dàng thực hiện để gắn kết các thành viên trong gia đình như cả nhà cùng nhau chạy bộ ở công viên hoặc đạp xe đạp.
Thi thoảng cả gia đình tôi vẫn đi đánh cầu lông cùng với bạn bè và Bon cũng luôn đi cùng. Nhiều bố mẹ cứ nghĩ trẻ con sẽ làm vướng chân và chưa thể chơi được nhưng tôi coi đây là cơ hội rất tuyệt vời để con được gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn của bố mẹ, đồng thời được học chơi một môn thể thao mới. Qua vài lần chơi khả năng đánh cầu lông của con đã tiến bộ rõ rệt và con cũng yêu thể thao hơn.
4 Cùng nhau làm việc nhà
Không có thứ gì tạo nên sự gắn kết tuyệt vời bằng cả nhà cùng nhau làm việc nhà. Bởi đó là khoảng thời gian để bố mẹ dạy trẻ về kỹ năng sống, về tinh thần trách nhiệm và ý nghĩa của gia đình. Vào những dịp cuối tuần cả nhà tôi lại cùng nhau làm những công việc dọn dẹp nhà cửa, lau gương, lau cửa kính hay cửa sổ, lau bàn ghế, kệ tủ...
Chính nhờ những trả nghiệm đó nên tôi đã rất dễ dàng để giao việc nhà cho Bon, và con cũng rất hào hứng để được làm cùng bố mẹ.
Có một lần sau khi tắm xong Bon đã chạy ra xin mẹ một quả chanh. Con cắt đôi và đem vào phòng tắm. Tôi đi theo để xem con làm gì. Hoá ra con đang dùng chanh chà lên vòi nước ở bồn rửa và vòi hoa sen “Mẹ thấy nó có pikapika (sạch bóng) không này. Con thấy làn trước bố làm như vậy nên con bắt chước theo”.
5 Tạo ra những trải nghiệm có kí ức vui vẻ
Những kí ức vui vẻ đó có thể là những chuyến dã ngoại cuối tuần hay những chuyến du lịch xa cùng nhau sẽ để lại trong trẻ những ấn tượng khó quên. Hay đơn giản chỉ là những buổi tối cả nhà cùng nhau xem một bộ phim, thi thoảng cùng nhau đi xem một vở kịch ở rạp hát. Cuối tuần cùng nhau đi bộ trên đường phố để tận hưởng cái không khí không bị “tắc đường”, và mua sắm quần áo cho các thành viên trong gia đình. Những trải nghiệm đem lại kí ức vui vẻ ấy sẽ theo con đến khi đã trưởng thành sẽ giúp con gắn kết với gia đình hơn.
❤Tác giả bài viết và hình ảnh: Dr Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn)
❤Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu - Aki Nguyễn về nội dung bài viết rất hay và thiết thực. Chị cũng chính là tác giả cuốn sách "Kỷ luật mềm của trái tim" và dịch giả của cuốn "Chờ đến mẫu giáo thì đã muộn" mà Mầm Nhỏ đã từng giới thiệu đấy.

Bài viết liên quan

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

GỢI Ý CHO BỐ MẸ CÁCH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT CỦA CON VỚI BẠN BÈ

Mẹ và bé

Tranh cãi, xích mích trong lúc chơi với nhau là điều rất phổ biến ở những đứa trẻ, điển hì
Xem chi tiết
NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN?

Mẹ và bé

NÓI SAO ĐỂ TRẺ THÍCH NÓI CHUYỆN VỚI BẠN? 😍😍 💁‍♀💁‍♂ Chắc hẳn nhiều bố mẹ cũn
Xem chi tiết
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CON HÌNH THÀNH NẾP SỐNG NGĂN NẮP, GỌN GÀNG?

Mẹ và bé

Một trong những điều khiến bố mẹ vô cùng đau đầu là làm thế nào để con giữ cho phòng của
Xem chi tiết
0946 626 646