Loading Loading

VÌ SAO CON KHÓC?

VÌ SAO CON KHÓC?
Đây là câu hỏi và thắc mắc của rất nhiều các mẹ bỉm sữa chúng mình, phải không? Nhiều bố mẹ sẽ lo lắng vì không hiểu con đang gặp về vấn đề gì? Có đang ốm đau gì không? Và cách để giải quyết những cơn khóc của bọn trẻ là gì? Hãy cùng với Mầm Nhỏ tìm hiểu về vấn đề này nhé.
 
LÝ DO ĐẦU TIÊN: CON ĐÓI
Đây chắc chắn là điều đầu tiên mà ba mẹ nghĩ đến khi bé khóc. Nên để kiểm tra xem có đúng đói hay không, mẹ hay cho bé tuti thử phải không? Nếu đói thật, bạn ý sẽ ti ngấu nghiến ngay. Còn nếu không, bạn nào mà có quan điểm rõ ràng thì sẽ vùng vằng bỏ ra ngay khi sữa xuống và khóc tiếp, thậm chí là khóc kinh hơn lúc trước. Tuy nhiên, có những bạn không đói nhưng có ti thì vẫn cứ mút, hậu quả là no quá trớ phèo ra, rồi lại khóc tiếp, mẹ lại cho bú, lại trớ, lại khóc tiếp, cứ vòng luẩn quẩn như thế, có khi đến mẹ cũng khóc nốt. Thế thì dấu hiệu để mẹ nhận biết bé có phải khóc vì đói thật hay không, đó là:
- Tiếng khóc lặp đi lặp lại và ngày càng to dần lên đến mức kinh khủng khiếp
- Liếm môi
- Quay miệng về phía bên má mà mẹ chạm tay vào
- Mút tay
 
CON BỊ ĐẦY HƠI
Nếu ba mẹ thấy bé thường quấy khóc ngay sau khi ăn, thì có thể bạn ấy bị đầy hơi. Ba mẹ có thể:
- Vỗ ợ hơi
- Đặt bé nằm ngửa, nắm lấy 2 bàn chân bé và thực hiện động tác như đạp xe nhẹ nhàng vậy
- Hiện tượng này cũng rất có thể xuất hiện đột ngột, không chỉ sau khi bé ăn. Bạn ấy có thể khóc lóc khó chịu cho đến khi xì hơi hoặc “poo poo” được mới thôi, dân gian hay gọi là “gắt ị” ấy ạ.
 
CON BỊ ĐAU BỤNG
Còn nếu bé có những biểu hiện sau thì rất có khả năng bạn ấy bị đau bụng:
- Khóc quá nhiều, thường vào cùng một thời điểm trong ngày (thường là vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối)
- Tiếng khóc to hơn và cao hơn bình thường, có vẻ như đang đau đớn.
- Khóc không ngừng dù mẹ có làm gì đi chăng nữa
- Bắt đầu và kết thúc trận khóc đều rất đột ngột
- Bé có thể nắm chặt tay, cong lưng, giãy giụa, đạp chân nhiều, mặt đỏ lên và bụng phình ra
 
Nếu xác định bé có thể bị đau bụng, ba mẹ trước hết phải bình tĩnh, rồi có thể thử làm một số điều sau để xoa dịu bạn ấy. Lưu ý là khi thực hiện những hoạt động này, ba mẹ phải luôn để ý đến phản ứng của bạn ấy nhé. Nếu bé vẫn khóc không thuyên giảm, hoặc các biểu hiện trở nên nghiêm trọng hơn thì hãy đưa ngay bé đến bác sĩ nha
- Massage nhẹ nhàng
- Sử dụng tiếng ồn trắng (white noise) để bạn ấy bình tĩnh
- Một số bạn khác có thể bình tĩnh trong một không gian yên tĩnh hoặc hơi tối một chút
-  Đu đưa bé nhẹ nhàng, có thể sử dụng võng, cũi hoặc mẹ bế bạn ấy với đầu hơi cao, áp vào ngực để bé có thể nghe thấy nhịp tim mẹ; thậm chí có thể thay đổi nhiều tư thế bế khác như: bế thẳng đứng, nằm sấp trên bụng hoặc trên đùi mẹ,...
- Đưa bé đi dạo
- Quấn tã cho bé để bạn ấy cảm thấy an toàn
- Tắm nước ấm cho bé
- Cho bé ngậm ti giả hoặc mút tay nếu điều đó làm bạn ấy bình tĩnh
-  Vỗ ợ hơi, vì khi khóc bạn ấy sẽ hớp một lượng khí lớn vào bụng, khiến bé càng đau bụng hơn
- Chườm ấm cho bé: Có thể là một chiếc khăn ấm, hoặc mẹ cho nước ấm vào một chiếc chai rồi bọc khăn xung quanh để chườm bụng cho bé. Lưu ý là chỉ hơi ấm một chút thôi mẹ nhé, vì da các bạn ấy còn rất là non, mẹ thấy ấm nhưng với các bạn có thể là nóng đấy ạ
- Mẹ cũng có thể hỏi bác sĩ về một số chế phẩm phù hợp với độ tuổi của bé, có chứa lợi khuẩn (Probiotics) giúp bé giảm triệu chứng đau bụng
 
BỈM CON BẨN RỒI!
Có một số em bé có thể chịu được bỉm bẩn khá lâu, nhưng một số khác thì không. Nên xử lý vụ này đơn giản thôi phải không mẹ, kéo bỉm ra kiểm tra, bẩn thì thay, còn sạch thì thôi, lại đi tìm lý do khác. Tuy nhiên để kiểm tra được bỉm của các bạn ý cũng mệt phết, đặc biệt là các bạn bé xíu, lùng tùng khăn quấn này nọ. Nên đôi khi ba mẹ sẽ phải chấp nhận bạn ấy sẽ khóc to hơn nữa khi mẹ quyết tâm đặt xuống để cởi tã, cởi quần rồi cởi bỉm các thứ. Kể cả phải thay hay không, điều quan trọng vẫn là ba mẹ phải thao tác nhanh gọn và dứt khoát nhất có thể, để thời gian khóc là ngắn nhất, rồi bế lên thật thần tốc để còn.. dỗ lại từ đầu.
 
CON BUỒN NGỦ
Các bạn ấy có thể khóc “gắt ngủ”, khi bạn ấy quá mệt, quá buồn ngủ, mà không ngủ được. Bạn ấy sẽ:
- Khóc nho nhỏ, nhẹ nhàng i ỉ, ba mẹ có thể làm dịu bạn ấy để tiếng khóc ngừng lại, nhưng sau đó thì tiếng khóc tích tụ biến thành một trận gào khóc inh tai nhức óc.
- Ngáp
- Dụi mắt
- Khóc trong khi mắt nhắm lại và ngáp
Để tránh tình trạng này, mẹ hãy cho bé đi ngủ ngay khi bé ngáp lần đầu tiên. Hoặc nếu mẹ đã luyện được bé theo phương pháp EASY, mẹ thậm chí có thể đoán được thời điểm mà bé có thể buồn ngủ, ví dụ như sau khi bé đã thức được khoảng 2 tiếng chẳng hạn. Khi đó, mẹ cho bé đi ngủ ngay sẽ giúp bạn ấy tránh được việc “gắt ngủ” vì quá giấc.
 
CON MUỐN ĐƯỢC BA MẸ ÂU YẾM
Đôi khi bé khóc chỉ vì muốn được ba mẹ ôm ấp bế bồng, được nhìn thấy mặt, cảm nhận hơi ấm và lắng nghe nhịp đập quen thuộc từ người bé yêu thương. Có nhiều ba mẹ lo rằng nếu bế bé nhiều con sẽ “bện hơi”, sẽ “hư”, nhưng thực ra nếu chỉ trong vài tháng đầu đời thì việc đó là không thể đâu ạ. Làm sao mà không bế ẵm ôm ấp hít hà “cục bông” thơm tho ấm áp đáng yêu ấy một tí nào được, nhất là khi bạn ấy lại cần mình như thế, phải không ba mẹ.
 
CON CẢM THẤY QUÁ NÓNG HOẶC QUÁ LẠNH
Khi mẹ thay quần áo hoặc thay bỉm và lau cho bé bằng khăn lạnh, bạn ấy có thể khóc vì cảm thấy lạnh. Ngược lại, trẻ sơ sinh thích được quấn lại và giữ ấm, nhưng không được quá ấm. Bạn ấy có thể khóc, nhưng sẽ không mạnh mẽ bằng khi bị quá lạnh, vì các bạn nhỏ thường ít phàn nàn về việc quá ấm hơn là quá lạnh.
 
CON BỊ ĐAU, NGỨA NGÁY HOẶC KHÓ CHỊU VÌ MỘT THỨ GÌ ĐÓ RẤT NHỎ
Cái vụ này là khó phát hiện này. Đôi khi bạn ấy khóc vì bị muỗi đốt, bị tóc vướng vào ngón tay hoặc chân, có một hạt sạn trong bỉm hoặc thậm chí là chỉ thừa ở quần áo cũng có thể khiến bạn ấy khó chịu, kiểu như “công chúa hạt đậu” vậy đó. Để giải quyết vấn đề này thì không còn cách nào khác ngoài việc ba mẹ phải kiểm tra khắp toàn thân bạn nhỏ thôi
 
CON MỌC RĂNG
Từ 4 tháng trở ra, bé có thể có thêm một lý do mới nữa cho việc khóc, đó là mọc răng. Mẹ có thể nhìn hoặc dùng tay sờ vào lợi bé xem có thấy cứng và sưng hay không. Nếu có thì xin chúc mừng, bạn ấy chuẩn bị có một chiếc răng mới!
 
THẾ GIỚI XUNG QUANH THẬT PHIỀN PHỨC!
 
Các bạn nhỏ đều rất hứng thú với thế giới xung quanh. Nhưng đôi khi, đó lại có thể cũng chính là thứ khiến các bạn ấy khó chịu. Đèn quá sáng, mặt trời quá chói, âm thanh quá ồn, quá nhiều người bế ẵm,... Khóc có thể là cách để bé thể hiện rằng “Thế là quá đủ rồi!”. Ba mẹ sẽ thấy bé:
- Lúc khóc lúc không, thậm chí là vừa khóc vừa cười, đến cuối cùng thì khóc ầm lên
- Quay đầu đi khỏi những cảnh tượng và âm thanh khiến bé khó chịu
Nếu bé còn nhỏ, mẹ hãy quấn bé lại, bạn ấy sẽ thấy yên tâm và an toàn hơn. Còn nếu bạn ấy đã lớn hơn, thì hãy đưa bạn ấy đến một nơi yên tĩnh để bạn nghỉ ngơi thư giãn một chút nhé ạ
 
CON CẦN ĐI CHƠI!
Lúc thì khóc vì không muốn ai động đến mình, giờ thì lại khóc vì muốn tương tác với cả thế giới đây. Có những em bé hướng ngoại sẽ thích ra ngoài chơi, tiếp xúc với nhiều người hơn là ở nhà. Việc bị bó buộc trong một không gian quá lâu có thể khiến bạn ấy bí bách, khó chịu và khóc ầm lên. Với những em bé như thế này, cách tốt nhất là ba mẹ cần thường xuyên lên kế hoạch đưa bạn ấy đi ra ngoài, ví dụ như đi công viên, sở thú, đến các khu vui chơi trong nhà và ngoài trời,...
 
CON CẢM THẤY KHÔNG KHỎE
Nếu mẹ thấy con:
- Khóc mãi không dứt dù ba mẹ đã tìm mọi cách xoa dịu, với tiếng khóc hơi “khác thường”
- Bị sốt
- Bỏ ăn
- Rất khó ngủ hoặc thức dậy
- Không đi vệ sinh với lượng như bình thường
- Có những hành động, biểu hiện, thái độ khác thường
thì có khả năng là bé không được khỏe. Ba mẹ hãy nhanh chóng gọi cho bác sĩ hoặc đi khám ngay nhé ạ.
 
Chúng mình luôn hiểu rằng những vấn đề dù là nhỏ nhất của con luôn khiến bố mẹ bất an và lo lắng nhưng với những kiến thức mà Mầm Nhỏ tìm hiểu sẽ phần nào giúp bố mẹ an tâm hơn trên con đường nuôi dưỡng những em bé khỏe mạnh và đáng yêu.
 
 
Nguồn tham khảo: Baby Center

Bài viết liên quan

NHỮNG ĐIỀU CON CẦN BIẾT TRƯỚC KHI ĐI MẪU GIÁO

NHỮNG ĐIỀU CON CẦN BIẾT TRƯỚC KHI ĐI MẪU GIÁO

Mẹ và bé

🏣🏫 BÉ CẦN CHUẨN BỊ TRƯỚC NHỮNG GÌ ĐỂ CÓ THỂ NHANH THÍCH NGHI VỚI MÔI TRƯỜNG MẪU GIÁO?
Xem chi tiết
CÓ NÊN TẮM NẮNG, BỔ SUNG VITAMIN D CHO BÉ KHÔNG?

CÓ NÊN TẮM NẮNG, BỔ SUNG VITAMIN D CHO BÉ KHÔNG?

Mẹ và bé

🤔Tắm nắng hay không tắm nắng? 🤔Bổ sung vitamin D hay không? 🤔Bé bú mẹ hoàn toàn, tắm nắng
Xem chi tiết
SỮA MẸ HAY SỮA CÔNG THỨC?

SỮA MẸ HAY SỮA CÔNG THỨC?

Mẹ và bé

Thứ tự ưu tiên mà các tổ chức Y tế khuyến cáo bao giờ cũng là sữa mẹ, sữa mẹ khác an toàn
Xem chi tiết
0946 626 646